Trên thực tế, có khá nhiều lý do để chủ nuôi bắt đầu thay đổi thức ăn cho chó. Đó có thể là:
- Thay đổi để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi của chó
- Thay đổi loại thức ăn để giúp chó hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn
- Đổi loại thức ăn hỗ trợ điều trị bệnh cho chó
- Bắt buộc thay đổi thức ăn bởi nhà sản xuất thức ăn cũ ngưng sản xuất.
Câu hỏi đặt ra là: Thay đổi thức ăn liệu có gây ra vấn đề gì chó chó không?
Vấn đề khi thay đổi thức ăn, bắt chó làm quen thức ăn mới đột ngột
Phản ứng bất thường với thức ăn (An adverse food reaction) là thuật ngữ mô tả phản ứng hoặc bệnh liên quan đến thức ăn ở chó như: dị ứng, không dung nạp thức ăn hay các bệnh về đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng dị ứng thực sự đến từ phản ứng cụ thể của hệ thống miễn dịch và phải được bác sĩ chẩn đoán chính xác để biết phản ứng với thành phần nào của thực phẩm.
Theo Câu lạc bộ Chó kiểng Mỹ (American Kennel Club), khi thay đổi thức ăn hoặc bắt chó làm quen thức ăn mới đột ngột có thể có các phản ứng như sau.
Đầu tiên là triệu chứng ở đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn, cụ thể:
- Nguy cơ bị bệnh tiêu chảy
Thông thường khi thay đổi thức ăn mới, một số bạn chó sẽ xảy ra tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy tiêu chảy. Đó là do có sự thay đổi về độ pH trong thức ăn cũ và mới. Nếu tình trạng này kéo dài (trên một tuần) mà không được chủ nuôi phát hiện và hỗ trợ kịp thời thì có thể dẫn đến các hệ lụy khác như kiệt sức, giảm sức đề kháng và dễ bị các bệnh vặt sau này.
- Chó chán ăn, kén ăn hơn
Với một số chú chó nhạy cảm thì nếu việc thay đổi thức ăn hay bắt chó làm quen thức ăn mới quá đột ngột, chó sẽ có phản ứng ngược là kén ăn, chán ăn và bỏ ăn. Tuy vậy, nếu việc kén ăn này chỉ diễn ra ngắn ngày (4-5 ngày) thì đó không phải là điều quá đáng lo ngại với chủ nuôi. Hãy tiếp tục và kiên trì thay đổi thức ăn nhưng cần tuân thủ đúng nguyên tắc thay đổi phù hợp với chó. Bởi chó cũng giống con người, những thứ quá đột ngột thay đổi dễ khiến chúng sợ hãi và đề phòng.
Tiếp theo là các triệu chứng xuất hiện ngoài da hoặc kết hợp cả hai.
- Triệu chứng dị ứng xuất hiện ngoài da: chó bị ngứa, viêm da, rụng lông nhiều hoặc phát ban khác nhau. Vì vậy nếu thấy các triệu chứng như thế xảy ra, hãy đưa tới bác sĩ thú y để được thăm khám và đánh giá tình trạng của chó.
4 bước đơn giản giúp chó làm quen thức ăn mới
Để tránh cho thú cưng gặp các vấn đề về đường tiêu hóa khi cho chó ăn thức ăn mới, cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “7 ngày” như sau:
4 bước đơn giản giúp chó làm quen thức ăn mới
Bước 1: Kết hợp thức ăn cũ – mới theo tỷ lệ 75-25
- Để tránh các vấn đề khi thay đổi thức ăn cho chó đã nêu trên, hãy cho chó ăn thức ăn mới với lượng ăn nhỏ. Cụ thể là bạn cần kết hợp thức ăn cũ và thức ăn mới theo tỷ lệ: 75% lượng ăn là thức ăn cũ và 25% là thức ăn mới cần chó làm quen. Đây là bước đầu để các bạn chó bắt đầu làm quen và thích nghi với mùi vị, thành phần dinh dưỡng cũng như thưởng thức được loại thức ăn mới.
- Thời gian thực hiện: 02 ngày (ngày 1 + ngày 2)
- Đây là thời gian bạn cần theo dõi và quan sát sát sao các phản ứng của chú chó. Chó có phản ứng thế nào khi ăn thức ăn mới, có đi ngoài bình thường không, có uống nước và vận động bình thường hay có gì thay đổi? Đặc biệt chú trọng đến tình trạng đi ngoài của các bạn chó trong thời điểm này.
Bước 2: Tỷ lệ thức ăn cũ – mới là 50-50
- Sau 2 ngày đã tập quen với thức ăn mới, đã có sự làm quen với mùi vị và dinh dưỡng mới và quan sát thấy chó không có biểu hiện bất thường thì bạn hãy tăng lượng thức ăn mới lên cân bằng với lượng thức ăn cũ. Tỷ lệ thức ăn cũ – thức ăn mới lúc này có thể là 50% – 50%.
- Thời gian thực hiện: 02 ngày (ngày 3 + ngày 4)
- Tương tự như ngày 1 và ngày 2, cần chú ý tới các biểu hiện của chó với thức ăn mới về vận động, ăn ngon miệng hay không và đặc biệt là tình trạng đi ngoài của chó có gì bất thường hay không.
Bước 3: Tăng tỷ lệ thức ăn cũ – mới lên 25-75
- Thời gian thực hiện: 02 ngày (ngày 5 + ngày 6)
- Sau 4 ngày làm quen với thức ăn mới, nếu chó có các biểu hiện hoàn toàn bình thường (đặc biệt về tiêu hóa) thì bạn hãy tiếp tục giảm tỷ lệ thức ăn cũ – tăng tỷ lệ thức ăn mới là 25% – 75% để chó có thể cảm nhận nhiều hơn về hương vị, thích nghi với thức ăn mới.
- Hãy tiếp tục quan sát các phản ứng của chó với thức ăn mới. Lý tưởng nhất là bạn hãy cho chó ăn khi bạn ở nhà và có thể theo dõi chó ngay khi chó đang ăn.
Bước 4: Cho chó ăn hoàn toàn thức ăn mới
Sau 06 ngày đã dần làm quen với thức ăn mới, lúc này gần như chó đã hoàn toàn thích nghi về tiêu hóa, hương vị của loại thức ăn “lạ” này. Bạn có thể cho chó ăn 100% thức ăn mới và cắt bỏ thức ăn cũ.
Việc cho chó làm quen thức ăn mới theo phương pháp 07 ngày sẽ giúp giảm tối đa tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc kén ăn, biếng ăn sau này của chó. Trên đây là 4 bước đơn giản giúp thay đổi thức ăn cho chó để bạn tham khảo. Hãy theo dõi website của chúng tôi để cập nhật các thông tin mới nhất về cách chọn thức ăn phù hợp cùng cách chăm sóc để các bạn thú cưng luôn khỏe mạnh, ít mắc bệnh vặt nhé.